Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

Cuộc hội ngộ nhiều nước mắt xót xa của hai người bạn ở trại tâm thần

Họ từng là những người anh em, cùng chia sẻ một niềm đam mê, nhưng giờ đây, gặp lại nhau, số phận của mỗi người đã đổi khác.
Bất ngờ và không lường trước – đó mới thật sự là cuộc sống. Dẫu biết như thế nhưng đôi khi hiện thực lại quá đau lòng, quá tàn nhẫn, khiến cả những người mạnh mẽ, vững lòng nhất cũng phải gục ngã.
Ngày hôm ấy, anh Thông theo một đoàn tình nguyện đến phát cơm cho trại tâm thần Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Với tâm thế hào hứng khi được đóng góp sức mình cho cộng đồng, anh đâu ngờ rằng, chuyến đi ấy lại là một trò đùa của số mệnh, bởi tại đây, anh gặp lại người bằng hữu từng một thời gắn bó với mình, nhưng với thân phận là một học viên của trại tâm thần…
“Người bạn tôi, 3 năm không gặp, sinh năm 1995, hơn tôi 2 tuổi, nhưng do bạn hơi chậm chạp, ngờ nghệch nên bạn hay gọi tôi bằng anh. 3 năm không thấy bạn đi tập nhảy, hôm nay vô tình tôi gặp bạn tại trại tâm thần Vĩnh Bảo.
Khi đến, tôi chưa nhìn thấy bạn, bạn cất tiếng lớn gọi tên tôi từ xa: ‘Anh Thông’. Nhìn quanh một lúc, tôi như chết lặng khi nhìn thấy người bạn đã rất lâu không gặp. Tôi tiến lại gần hơn chiếc cửa sổ, 4 - 5 người đang đứng đưa tay ra ngoài với ánh mắt ngây dại.
Họ từng tự do, vui vẻ như những chú chim trời... (Ảnh: NVCC)
‘Anh còn nhớ em không? Em Chung đây’. (Bạn tôi nói rất nhanh rất gấp, như đang hi vọng tôi có thể nhận ra bạn). Vẫn chiếc áo THCS Chu Văn An đó, đôi lông mày có xoáy, hai chiếc răng khểnh, dáng người cao cao gầy gầy, chỉ 2 giây thôi tôi nhớ ra tên bạn.
Miệng không nói lên lời, tôi chỉ nhìn bạn rồi cầm vội lấy bàn tay bạn không để bạn phải ngại trước bao nhiêu ánh mắt xung quanh nhìn vào. Tôi nhớ chứ, ngày xưa chúng tôi vẫn hay đùa nhau đặt biệt hiệu cho bạn là 'stupid', 'Popper Salah của Việt Nam'.
... nhưng giờ đây, mọi thứ đã đổi khác đến đau lòng. (Ảnh: NVCC)
... nhưng giờ đây, mọi thứ đã đổi khác đến đau lòng. (Ảnh: NVCC)
‘Sao em lại ở đây, ai đưa em vào chỗ này?’ - ghìm lòng, tôi cố hỏi.
‘Mẹ em đưa em vào đây, em không gây nên tội gì cả, bố em chết rồi nên mẹ đưa em vào đây’.
‘Không lỗi gì tại sao phải ở trong này? Thế mẹ đưa em vào đây lâu chưa?’
Đầu óc bạn do uống quá nhiều thuốc nên không còn minh mẫn lắm, vừa nói tay vừa run.
‘Bố em chết rồi, em nghịch quá, hay đáp que tính ra ngoài cửa rồi mẹ đưa em vào đây’.
Tôi khóc như một đứa trẻ, lòng cứ quặn lại, xoa đầu bạn, ánh mắt bạn ngây dại làm tôi càng thêm đau. Từ bé đến giờ, dù đi học hay đi bất cứ đâu tôi chưa từng để người ngoài nhìn thấy tôi khóc vì tôi không mấy bộc lộ cảm xúc. Nhưng hôm nay nhìn bạn phải đứng sau song sắt, nơi mà bạn không đáng phải ở đó. Tôi biết bạn không bình thường, nhưng không đến mức phải vào đó nên lòng tôi không kìm được.
Không thể cầm lòng trước hoàn cảnh của người anh em mình, anh Thông bật khóc. (Ảnh: NVCC)
Không thể cầm lòng trước hoàn cảnh của người anh em mình, anh Thông bật khóc. (Ảnh: NVCC)
‘Ở đây em ăn có no không? Có ai bắt nạt em không?’

‘Em ăn no lắm, không ai bắt nạt em cả, em không sao, anh sao thế? Đừng khóc, anh còn đi nhảy không? Chỗ cung Thanh Niên mà anh hay dạy em nhảy đấy, cả anh Mạnh còn đi nhảy không?’
Tôi cố trả lời: ‘Anh nghỉ tập lâu rồi, Mạnh học trên Hà Nội rồi’.
‘Em cố gắng trong này ngoan. Anh bảo mẹ em cho em về, rồi anh em mình lại đi nhảy, em nhớ cung Thanh Niên, Nhà Hát Lớn lắm’.
‘Nhà em ở đâu? Em nhớ số điện thoại mẹ không?’
‘Chờ em một tí em nhớ,… nhà em ở trong ngõ Phan Bội Châu, mẹ em tên Nga, em quên hết số điện thoại mẹ rồi, người ta cho em uống nhiều thuốc quá nên quên hết rồi. Anh cho em nhiều bánh kẹo nhé, trong đây ăn thịt nhiều sợ lắm’.
‘Chờ chút nữa là được ăn cơm chả nem rồi em. Nhưng em phải ngoan, phải xếp hàng, rồi anh cho bánh kẹo sau, em ở trong đây em phải ngoan, để được về sớm, rồi anh bảo mẹ cho em về nhé’.
‘Anh… tên gì nhỉ, em quên rồi’.
‘Anh tên Thông, em vừa gọi anh mà’.
‘Em uống thuốc, em sắp quên hết rồi’.
Không biết nói gì, trong tôi chỉ thấy rất buồn vì người bạn mặc dù hơi ngốc nhưng chúng tôi cũng có khoảng thời gian tập nhảy cùng nhau khá lâu, nắm xôi tôi cho bạn một nửa khi đói, chai nước uống chung khi khát…
Câu chuyện kết thúc ở đó, bạn xếp hàng vào ăn bữa cơm từ thiện nhỏ nhưng giúp mọi người và bạn thêm no.
Các học viên trại tâm thần ngơ ngác nhìn đời qua song sắt cửa sổ. (Ảnh: NVCC)
Các học viên trại tâm thần ngơ ngác nhìn đời qua song sắt cửa sổ. (Ảnh: NVCC)
Nhìn bạn ăn một lúc rồi tôi âm thầm ra về, vì nếu tôi tiếp tục ở lại, tôi sợ mình sẽ không thể chia tay bạn bằng những câu chào. Tôi muốn đưa bạn ra khỏi đó, và nếu không thể đưa bạn ra tôi cũng muốn bạn có cuộc sống tốt hơn, đàng hoàng hơn trong đó”.
Câu chuyện buồn và đau lòng như một quyển tiểu thuyết. Nhiều người đã không giấu sự hoài nghi về tính xác thực của nó. Tuy nhiên, cho dù thật hay không, thì đó cũng là một cung trầm quá đỗi hoàn mĩ trong bản nhạc về tình người với nhau giữa cuộc đời này.
Giữa thực tại đau buồn của cuộc sống: cha mất, mẹ chối bỏ, đưa vào trại tâm thần, xung quanh không một người thân thích, có lẽ những kí ức tươi đẹp ngày xưa chính là liều thuốc mà chàng thanh niên tên Chung nọ giữ lại để tự làm mình an lòng. Hay bởi vì tình bạn, tình anh em thời ấy đã là một báu vật vô giá vẫn sáng từ quá khứ cho đến hiện tại, đến nỗi trong lúc nhớ nhớ quên quên vì thuốc điều trị, Chung vẫn nhận ra, thậm chí nhớ tên của người anh em năm xưa.
Từng trải qua những năm tháng tuổi trẻ, cùng nhau lớn lên, có nằm mơ, cả Chung và Thông cũng không hình dung được cả hai sẽ gặp nhau trong hoàn cảnh đầy éo le như thế này. Không còn những lúc tập nhảy cùng nhau, giờ đây giữa họ là song sắt cửa sổ của trại tâm thần. Không còn bàn tay nắm lấy nhau hòa cùng nhịp đam mê, giờ đây chỉ là bàn tay bấu víu của người ở trong, là cái siết tay trước thực tại quá nghiệt ngã của kẻ bên ngoài. Người tỉnh, người mê. Người lơ mơ chốn xa lạ không người thân, người day dứt tận tâm can vì không thể làm gì trước hoàn cảnh của người bằng hữu.
Cuộc đời sao lắm trớ trêu, người mê cũng khổ mà người tỉnh cũng đau…