Sinh ra nơi phố thị xa hoa, nơi những con người bắt đầu chỉ biết đến bản thân, khi mà sự ích kỉ của cá nhân được đặt lên vị trí cao nhất trong mỗi người thì cũng là lúc con người ta cảm thấy trân trọng, cảm thấy nâng niu một thứ tình cảm là một điều vô cùng khó khăn.
Ấy thế mà, ông bà tôi, những người đã gần đất hơn trời ấy lại cho tôi một niềm tin mãnh liệt, một niềm tin tuyệt đối vào thứ tình yêu không chút vụ lợi, chẳng cần cao sang quyền quý mà chỉ cần ở bên nhau, trân trọng nhau và sống bên nhau đến những ngày cuối đời là đủ.
Ông bà tôi lấy nhau từ lâu lắm rồi, tất nhiên rồi, thì cái thời đó lấy nhau rồi mới có bố tôi bây giờ rồi mới có tôi chứ. Làm cháu mà thỉnh thoảng tôi thấy mình cũng không được có hiếu cho lắm. Chẳng là ngày trước, mỗi đợt ông bà nội tôi ở quê lên. Cũng không hiểu sao mà ông bà tài tình thật, bất kể đi đâu cũng đi cùng nhau chứ chẳng như người khác. Thế nên nhà tôi khi ấy cũng đông vui. Ông bà ở quê mà, làm gì có nhiều tiền đâu. Vậy mà lần nào lên thăm cũng tích góp lại cho tôi vài trăm ngàn dặn tôi mua lấy bộ quần áo mới. Vì ông bà không biết chọn đồ cho tôi nên chỉ cho tiền thôi. Ngày bé thì biết gì đâu, giờ lớn rồi mới biết từ chối cho đỡ ngượng thôi chứ thật ra tôi vẫn nhận đều..
Kể thêm về ông bà mình, tôi được nghe ba tôi kể lại rằng hồi ông bà quen nhau, ở quê tôi giáp danh với Trung Quốc đó. Ngày đấy còn đánh nhau, hai nước trinh chiến ác liệt lắm. Bất kể khi nào ông cũng sẵn sàng bảo vệ bà tôi. Thế rồi thương nhau rồi lấy nhau về làm vợ làm chồng ở cái vùng đất nghèo ấy.
Gia đình tôi cũng sinh ra từ đó, bố tôi được lớn lên từ tình yêu thương của ông bà. Họ thường bảo, người ta có con cái rồi bố mẹ không còn nhiều thời gian dành cho nhau, nhưng ông bà tôi vẫn trân trọng nhau từng ngày. Tôi nhớ ngày bố tôi kể lại rằng bà bị đau chân, ông cõng bà vượt hết núi này đến núi nọ, leo từng ngọn đèo đưa bà đi trốn địch an toàn.
Về rồi sinh ra bố tôi, chăm sóc cho nhau từng chút một. Bố còn kể, ngày mà bố nhận thức được và có thể nhớ chứ không phải trẻ con nữa là khi mà gia đình ông cũng đã khá hơn một chút. Nói thế thôi, chứ bố tôi bảo vẫn có ngày đói, có ngày no. ông bà dành hết đồ ăn cho con, rồi ông lại chuyển đồ ăn sang cho bà. Ông bà cứ chia nhau đi chia nhau lại vài ba miếng thịt mỡ.
Nghe kể mà tôi chẳng tin vào cái tình yêu ấy. Thì đúng rồi, tôi nào đâu có được chứng kiến thứ tình cảm mãnh liệt đó của ông bà mình hồi còn trẻ đâu. Bố tôi nói rằng, vì thừa hưởng tính cách của ông nên bố mới biết yêu thương mẹ mày như bây giờ đấy mà tôi chỉ biết cười cho đến những ngày đó.
Đó là cuối năm, những ngày cuối năm người người nhà nhà tấp tập mọi thứ đón chào năm mới và cùng cố gắng làm việc cho nốt. Khi đó ông tôi mắc bệnh phải nhập viện. Cả nhà lo lắng lắm, nhưng làm sao tôi quên được ánh mắt của bà nhìn ông lúc đó. Bà len lén lau vội giọt nước mắt đi rồi nắm chắc tay ông trong căn buồng nhỏ của bệnh viện. Bà dành thời gian chăm sóc ông từng bữa cơm giấc ngủ. Đó là việc khiến bà tôi vui mỗi ngày chứ không phải trả ơn huệ ngày xưa ông đã từng tốt với bà tôi đến thế.
Bên ngoài ồn ào những tiếng kêu la, nhưng hình như tất cả cũng dừng lại cái khoảnh khắc mà ông tôi ra đi. Ông thở hắt ra, đôi bàn tay ông trở nên yếu ớt và bắt đầu lạnh hơn. Bà nắm chặt tay ông trong bàn tay mình, nắm lại cho chắc rồi đan từng ngón tay thật kĩ và dặn:
– Nắm chặt tay tôi vào ông nhé, kiếp sau tôi vẫn sẽ hầu hạ ông mỗi ngày.
– Tôi mà đi trước bà thì bà cũng đường có buồn, đừng có khóc nhé. Nếu không tôi lại không yên tâm.
– Ông này hay nhỉ, đang yên đang lành đi nói gở làm sao? Ông phải sống với tôi, hứa với tôi đến thế giờ lại định bỏ tôi một mình ở lại à?
– Tôi biết mình thế nào, tôi thấy người mình khỏe đến đâu. Cứ dặn cho bà đỡ than sau này có làm sao lại trách tôi đi không nói lời nào.
Đêm đó, ông tôi mất. Bà tôi vẫn ngồi bên cạnh ông cho đến tận sáng hôm sau. Bà yên lòng nhìn ông rồi mỉm cười: “Ông ngủ ngon nhé, đợi tôi rồi tôi sẽ đến với ông cho ông bớt cô đơn!”. Lo xong đám tang cho ông tôi, bà vẫn sống vui vẻ nhưng chỉ khoảng 1 tháng sau thì bà ra đi. Bà mất chỉ dặn lại được con cháu vài ba câu rồi đi. Trước khi mất bà tôi vẫn cười rồi khẽ nói: “Cuối cùng thì tôi cũng đến với ông rồi, ông đợi tôi có lâu lắm không?”.
Mỗi người đều có trong mình một câu chuyện tình nghĩa. Còn riêng tôi, tôi cảm phục tình yêu của ông bà mình, một tình yêu không chút toan tính vụ lợi. Một tình yêu đẹp đẽ và hi sinh. Tình yêu ấy mãnh liệt dù chẳng cao sang quyền quý. Tôi tự hỏi, vậy thì tại sao chúng ta thời nay lại không thể có được một tình yêu như thế?