Nếu lo lắng nhiều quá, bạn sẽ thấy cuộc đời này tràn ngập nỗi sợ hãi mà không có nổi một ngày bình yên...
Lo lắng và khốn khổ là hai thứ tệ hại luôn song hành với nhau trong mỗi con người. Nếu bạn suốt ngày lo lắng, sợ sệt, bạn sẽ cảm thấy khốn khổ vô cùng. Nếu bạn cảm thấy khốn khổ, ắt bạn lo âu. Chúng ta phải đối phó với những sự kiện của đời sống, phải đương đầu với những diễn tiến khác nhau của kiếp nhân sinh. Vì thế, nếu suốt ngày lo lắng, bạn sẽ không có giây phút nào được sống bình yên, cuộc đời bạn sẽ không bao giờ thanh thản.
Lo âu là con đẻ của chúng ta, tự ta tạo ra nó trong suy nghĩ, nuôi lớn nó hàng ngày và để chúng chế ngự tinh thần của ta. Nhiều người có những ham muốn và những khát vọng, những lo âu và sợ sệt mà chính họ cũng cảm thấy hổ thẹn, không dám nhận, dầu là âm thầm tự nhận trong lòng. Họ không biết làm thế nào để cho những cảm xúc ấy trở nên cao thượng hơn. Nhất là với nhiều người phụ nữ, căn bệnh nghĩ nhiều, lo nhiều đã trở thành ám ảnh. Nhất là họ luôn lo lắng thay cho người khác, chính là những đứa con của mình, điều này vô tình làm mất hết phúc của con mình.
Chúng ta hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây:
Có một người thanh niên trẻ tuổi là phóng viên đài truyền hình, thường hay tăng ca, giờ giấc ngày và đêm đảo lộn. Bởi vì ở cùng gia đình, cho nên mẹ của cậu ta thường xuyên lo lắng, thường xuyên nhắc nhở cậu: Phải nhớ ăn cơm, đừng ngủ quá trễ, lái xe phải cẩn thận…, cứ lải nhải như vậy lặp đi lặp lại cả ngày. Cậu ta vốn cũng không thấy khó chịu, nghe mãi thành quen. Nhưng mà đôi lúc cậu cũng không đủ kiên nhẫn, vừa nhìn thấy mẹ mình bèn vội lẩn tránh, để đỡ phải nghe nói rông dài tới nửa ngày.
Có một lần người thanh niên này đi đến Hoa Liên phỏng vấn vị pháp sư Chứng Nghiêm, nghe được pháp sư nói câu này, cậu cảm thấy rất có đạo lý. Pháp sư nói: “Nếu một người cha mẹ thường xuyên lo lắng cho con cái của họ, thì con của họ sẽ không có phúc khí; bởi vì phúc khí đều bị cha mẹ lo lắng mà rơi rớt mất”.
Vị pháp sư còn nói: “Nếu cha mẹ hi vọng con cái của mình gặp may mắn nhiều hơn, hãy chúc phúc cho đứa trẻ, mà không cần phải lo lắng”.
Người thanh niên nghe nói như vậy thì vô cùng hưng phấn, vừa về tới nhà lập tức kể lại lời của pháp sư Chứng Nghiêm cho mẹ của anh nghe. Anh nói, từ nay về sau, nếu mẹ vẫn còn tiếp tục lo lắng cho anh mà kêu ca cả ngày như trước nữa, thì anh nhìn thấy mẹ cũng sẽ không tiếp tục lẩn tránh, và cứ thế thì tai vạ sẽ đến nhiều hơn. Người mẹ nghe xong cũng giật mình hối hận.
Quả vậy, ý niệm trong lời nói càng tích cực thì mới hy vọng mang đến nhiều niềm vui và may mắn. Từ nay trở đi, chúng ta cần phải cẩn thận từng ý từng niệm đầu của mình. Bạn đối với con cái, người thân của mình, là lo lắng nhiều? hay là chúc phúc nhiều hơn?
Con người sống trên đời, ai cũng mong thanh tịnh, tức là cảm giác dễ chịu, không suy nghĩ, không lo lắng bất an. Tuy nhiên, cuộc đời lại quá xô bồ khiến người ta luôn phải ganh đua, lo lắng công việc, cuộc sống, cơm áo gạo tiền...
Trong những hoàn cảnh bất mãn và thất vọng tương tợ vài người nghĩ đến quyên sinh tánh mạng, có người phải loạn trí, phần lớn tự thấy khốn khổ vô cùng.
Thực sự lo lắng quá nhiều sẽ chẳng giúp được gì cho ta cả. Có người nói, lo lắng quá nhiều sẽ làm cạn dòng máu trong cơ thể, sớm hơn là tuổi già. Người lo lắng sẽ luôn u buồn, chán nản. Người mà tâm trạng lúc nào cũng thế, thử hỏi làm sao giữ được phúc khí, may mắn, chẳng phải là xua đuổi hết đi hay sao.
Ðức Phật dạy rằng tất cả bất hạnh của con người đều phát sanh từ sự ham muốn lầm lạc, muốn những thú vui mà tiền của mua được, muốn nhiều quyền thế hơn kẻ khác, và quan trọng hơn tất cả, muốn tiếp tục mãi mãi sống sau khi chết. Chính vì ham muốn những điều này mà con người trở nên vị kỷ, bởi nó làm cho con người chỉ nghĩ đến riêng mình, chỉ muốn cho riêng mình, và không để ý lo nghĩ đến những gì có thể xảy đến người khác. Và, bởi vì không thể thành đạt tất cả những gì mình mong muốn, con người luôn luôn lo âu và bất toại nguyện. Vì thế, muốn sống thanh thản, giữ phúc khí cho mình và con thì hãy quẳng gánh lo đi mà sống.